Header Ads

Banner

Ẩm thực người Thái tại Điện Biên

Đến Điện Biên, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi một địa danh lịch sử với chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu mà bên cạnh đó Điện Biện còn cuốn hút du khách bởi nét văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn dân tộc mà chỉ nơi đây mới có. Trong đó văn hóa ẩm thực của người Thái Điện Biên là một nét tiêu biểu đặc trưng của văn hóa ẩm thực Tây Bắc nói chung hay Điện Biên nói riêng.

ca nuong gap


Về Điện Biên, du khách sẽ được thưởng thức món ăn truyền thống dân tộc, dân dã mà lắng đọng bởi những hương vị đậm đà được truyền từ ngàn đời.

Cá nướng gập của người Thái

Thăm quan bản, nếu muốn thưởng thức món ăn dân tộc cùng với những điệu xòe, du khách nên đặt trước. Với những nguyên liệu có sẵn như gà bản, cá suối và rau rừng… thì chỉ chừng hơn một tiếng đồng hồ là chủ và khách có thể nâng chén rượu để “au hẻng - cạn chén", "hảo hán - chúc sức khoẻ" và bắt tay nhau thật chặt - một phong tục đẹp thể hiện sự thân thiện, hiếu khách của người dân nơi đây. Thưởng thức món ngon của dân tộc Thái, ngồi trên nhà sàn xem múa xòe là điều thú vị mà không phải ở đâu cũng có.

Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi món đều có hương vị đặc trưng riêng và chúng còn hấp dẫn hơn bởi cách chế biến cầu kỳ, lạ mắt. Đặc trưng nhất là món nướng bởi hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng làm mê hoặc lòng người. Các loại thịt gia súc, gia cầm hay thuỷ sản đều có thể nướng nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ và lạ lùng nhất có lẽ là món rêu nướng. Rêu được lấy từ những con suối trong. Sau khi được làm sạch, người Thái thường trộn hạt dổi, hạt mắc khén (những gia vị được lấy từ rừng) cùng ớt, tỏi, gừng, củ xả, lá chanh rồi thêm ít thịt mỡ. Dùng lá dong được rửa sạch để gói rêu và gia vị, buộc lạt tre túm lại hai đầu, bẻ quặt hai mép lá lại thành cái hình khum khum treo lên một thanh nẹp tre. Đem tất cả vùi vào trong tro ấm. Không than, không lửa cũng không hơ khói. Bao giờ lá dong cháy tý tách, thì lôi thanh tre ra, hơ cả gói rêu nướng trên than hoa. Lá dong cháy đến lớp trong cùng, mỡ và nước xanh thơm mát của rêu suối rỉ ra, thì bày ra đĩa. Khi ăn, mở gói lá dong, mùi mắc khén, hạt sẻn và mấy chục thứ gia vị cùng ngạt ngào, riêng có rêu vẫn mát lịm, thanh tao. Gắp miếng rêu thả vào miệng, nhấp một chút rượu, một cảm giác lạ lùng dễ chịu lan tỏa khắp người, một cảm giác không dễ để quên.

Nộm rêu cũng là món ăn đơn giản. Rêu sạch đem cắt nhỏ bỏ vào chõ hấp chín, trộn muối, đường, gừng, rau thơm, hạt sen, nếu cay cho ớt hoặc hạt tiêu. Canh rêu tươi là món ăn công phu và sang trọng nhất. Rêu được nấu với nước canh xương lợn hầm hoặc luộc gà, với thịt nạc băm nêm gia vị và ăn nóng. Rêu có nhiều tác dụng như giúp hoạt huyết, giải độc, thanh nhiệt, chống cao huyết áp. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rêu chống được ngã nước, mụn nhọt, sốt rét, phong hàn. Người đi rừng khi uống nước suối, ăn rêu sống hoặc rêu nướng sẽ chịu được cái lạnh, chướng khí sơn lâm. Rêu chủ yếu là chất xơ còn có tác dụng giảm mỡ máu.

Đối với người Thái, gạo nếp vẫn là lương ăn truyền thống. Khi đi rừng hay lên nương rẫy người dân Thái thường mang theo cơm nếp bởi tác dụng no lâu, chắc dạ và để lâu cơm vẫn dẻo chứ không bị khô và rắn như cơm tẻ. Người Thái có phương phápđồ xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ rất kỹ thuật. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu. Cơm lam là đặc sản của dân tộc Thái thường được sử dụng vào dịp lễ, tết hay đãi khách. Với các chuyến du lịch, du khách có thể mang theo ép khẩu xôi, vài khúc cơm lam để ăn dọc đường hoặc khi nghỉ ngơi tại các điểm tham quan sẽ rất tiện lợi.

Mùa nào thứ nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật, như: măng đắng, măng ngọt; rau cải ngồng, rau dớn... chấm với gia vị chẩm chéo – một loại gia vị chấm đặc trưng của người Thái - đậm đà vị cay của ớt, riềng, mặn của muối rang, hương thơm của rau. Chẩm chéo được chế biến từ món ớt giã hòa muối, tỏi, có rau thơm, mùi, lá hành… có thể thêm gan gà luộc chín, ruột cá, cá nướng…

Nậm Pịa

Ngoài chẩm chéo, người Thái còn có thêm một loại nước chấm vô cùng độc đáo được chế biến từ ruột non của động vật ăn cỏ thuộc loài nhai lại gọi là Nậm pịa. Nậm pịa là nước nhúng lấy từ lòng non của bò, dê, trâu... kèm với một số loại rau thơm và gia vị khác. Vị đắng đắng, cay cay, bùi bùi cùng các loại rau thơm dậy hương của nậm pịa tạo thành một thứ nước chấm dễ khiến người ta phải nhớ mãi sau khi thưởng thức.

Người Thái ưa các vị: cay, chua, đắng, chát, bùi, ít dùng các món ngọt, lợ, đậm, nồng… hay uống rượu cần, cất rượu. Thịt cá ăn tươi thì làm món nộm, nhúng (lạp, cỏi), ướp muối, thính làm mắm; ăn chín thích hợp nhất phải kể đến các món chế biến từ cách nướng, lùi, đồ, sấy, sau đó mới đến canh, xào, rang, luộc…

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.